Mặt hồ muốn rộng – lòng hồ phải sâu

Cách đây 03 năm, trong một lần ra Hà Nội tôi có ngồi uống cafe cùng với một người bạn ở quán Highland Coffee trên đường Đinh Tiên Hoàng – ngay chỗ nhìn ra Hồ Gươm. Đó là một vị trí đẹp cho ta thấy một khung cảnh thơ mộng, bình an của Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm).

Và trong lúc ngồi ngắm Hồ Gươm, chúng tôi có nói chuyện với nhau về việc mực nước hồ càng ngày càng cạn do bị lắng bùn đất từ xung quanh chảy vào. Nhà nước có chủ trương nạo vét hồ nhưng lại không dám thực hiện vì sợ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ cũng như ảnh hưởng đến các cụ Rùa đang sinh sống trong hồ.

ho-guom-1

Như vậy nguy cơ bị cạn của hồ là rất cao vì lòng hồ không còn sâu như trước nữa.

Và nói chuyện đến đây tôi bỗng nhận ra một bài học rất thấm thía cho bản thân mình cùng về vấn đề phát triển bản thân.

Tôi thấy rằng

Mặt Hồ – là cái bề nổi bên ngoài của hồ nó giống như quy mô hay tầm ảnh hưởng của mỗi chúng ta.

Lòng Hồ – là chiều sâu của hồ, nó giống như mức độ chuyên sâu của chúng ta về vấn đề chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó.

Và theo bức tranh đơn giản của tự nhiên, nếu mặt hồ Rộng mà lòng hồ Nông thì hồ sẽ mau cạn vì nước bị bốc hơi nhiều. Và nếu lòng hồ sâu thì sẽ dễ dàng duy trì được mặt hồ Rộng.

Nó cũng giống như một ai đó khi làm một việc gì đó, nếu như người đó nông cạn thì chỉ làm trên diện nhỏ mà thôi. Nếu như người đó làm trên diện rộng mà kiến thức, chuyên môn không sâu thì sẽ bị “bốc hơi” rất nhanh và dễ dàng biến mất trên thị trường. Còn nếu như kiến thức, năng lực mà sâu, mà giỏi thì càng làm sẽ càng ảnh hưởng, càng mở rộng.

Thường người ta nói, muốn thành công lớn phải nghĩ lớn, nghĩ lớn thì phải làm lớn, làm trên diện rộng. Tuy nhiên, từ bài học trên tôi thấy Nghĩ lớn là tốt, nhưng nghĩ lớn mà không tương đồng với năng lực nội tại thì nghĩ lớn sẽ làm chúng ta “bốc hơi” mau hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải trau dồi cái nền tảng để giúp chúng ta trụ vững được, không bị “bốc hơi” đó là tập trung vào phát triển chuyên môn sâu của mình, tập trung phát triển bản thân và mở rộng tương ứng theo sự phát triển của bản thân. Có như thế thì chúng ta đi mới nhanh và chắc được.

Nhìn lại, thấy có nhiều người muốn thành công nhưng không muốn trau dồi phát triển bản thân, không chịu khó học hỏi, rèn luyện nâng cao năng lực của mình thì ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy nếu có làm ra được điều gì đó thì cái đó cũng khó trụ lại được lâu.

Chính vì vậy, người muốn thành công, người muốn làm giàu cần phải liên tục học hỏi, liên tục trau dồi phát triển bản thân cả về Tư duy, Phẩm chất, Tinh thần, Chuyên môn, Kiến thức kinh doanh và các Công cụ, có như thế thì chúng ta mới có thành công lớn và bền vững được.

Nguyễn Quang Ngọc

Share This Post: