Tầm nhìn (Vision) là gì? Định nghĩa một cách ngắn gọn và đơn giản, tầm nhìn giúp chủ doanh nghiệp trả lời câu hỏi: Công ty của chúng ta sẽ trở thành như thế nào trong tương lai?
Tầm nhìn của doanh nghiệp phải cân đối giữa 2 yếu tố: đầu tiên nó phải rất tham vọng, nhưng ngược lại nó lại phải thực tế. Trong thực tế thì doanh nghiệp của bạn sẽ khó lòng vượt được tầm nhìn mà bạn đề ra.
Khi bắt đầu làm kế hoạch chiến lược cho doanh nghiệp, việc xây dựng tầm nhìn cho doanh nghiệp là bước bắt buộc đầu tiên. Quá trình này không hề kém quan trọng hơn so với chiến lược hoạt động (Strategy). Nếu không có một tầm nhìn phù hợp cho doanh nghiệp, sẽ rất khó để duy trì các kế hoạch cải tiến không ngừng và giữ vững (hoặc vươn tới) vị trí tầm cỡ thế giới của doanh nghiệp.
Yếu tố quan trọng nhất khi đưa ra tầm nhìn là phải hướng tới sự vĩ đại. Một tầm nhìn định hướng cho tổ chức hướng tới sự tầm thường thì sẽ rất khó để khơi gợi lòng nhiệt tình từ các thành viên trong tổ chức. Tầm nhìn của một doanh nghiệp cần phải tham vọng, nhưng trong tầm khả năng có thể đạt được. Một công ty sẽ không thể tiến xa hơn tầm nhìn mà bạn tạo ra trong quá trình này.
BƯỚC 1: KHOANH VÙNG TẬP TRUNG
Khi bạn bắt đầu quá trình xây dựng tầm nhìn cho công ty, bạn cần khoanh vùng phạm vi hoặc những điểm cần tập trung. Bạn đang xây dựng tầm nhìn cho cả doanh nghiệp hay chỉ cho một bộ phận chức năng cụ thể như bộ phận Kinh doanh hay Marketing? Tầm nhìn đó dành cho toàn bộ doanh nghiệp trên toàn cầu hay chỉ cho một chi nhánh cụ thể? Bạn tập trung vào một lĩnh vực cụ thể như phát triển đội ngũ nhân sự hay rộng hơn là năng lực sản xuất của doanh nghiệp?
BƯỚC 2: CHỌN KHUNG THỜI GIAN
Khung thời gian cho tầm nhìn doanh nghiệp thường là từ hai đến năm năm. Điều này giúp doanh nghiệp có thời gian để giải quyết những vấn đề hiện tại nhưng vẫn giữ hướng về tầm nhìn đã vạch ra. Khung thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng cần đảm bảo việc xây dựng một lộ trình rõ ràng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các lựa chọn xác đáng một khi tầm nhìn biến thành hành động.
BƯỚC 3: HỒI TƯỞNG LẠI CÁC THÀNH CÔNG TRONG QUÁ KHỨ
Khi xây dựng một tầm nhìn cho doanh nghiệp, việc dừng lại và xem xét lại những thành công trong quá khứ là điều rất cần thiết. Bằng các tập trung vào những thành công trong quá khứ, đội ngũ nhân sự sẽ giữ được tinh thần lạc quan và tránh những suy nghĩ tiêu cực về tầm nhìn. Điều này sẽ giúp tăng đáng kể khả năng công ty đạt được những thành tựu thực sự trong quá trình vươn tới tầm nhìn.
BƯỚC 4: SOẠN THẢO BẢN NHÁP ĐẦU TIÊN
Có vẻ như mọi người thường coi đây là phần đơn giản nhất, tuy nhiên nó vẫn cần được quan tâm đặc biệt. Khi nháp, vạch ra định hướng cho tương lai là điều đặc biệt cần thiết. Nói cách khác, hãy mường tượng ra bản thân mình trong một thời điểm nào đó trong tương lai (5 năm nữa chẳng hạn) và miêu tả chân thực những gì bạn thấy trong viễn cảnh đó, thay vì viết về một thứ hão huyền bạn mong là sẽ xảy ra.
Thêm vào đó, hãy thành thật với chính mình và trung thành với tầm nhìn đã đề ra, đừng viết những thứ người khác mong muốn thấy. Cuối cùng, hãy chắc rằng mục đích của bạn là hướng đến sự vĩ đại. Một tầm nhìn tầm thường không chỉ gây thất vọng mà và còn có thể giết chết động lực của doanh nghiệp vốn đã hình thành sau các hoạt động cải tiến không ngừng.
BƯỚC 5: THAM KHẢO Ý KIẾN TỪ NGƯỜI KHÁC
Hãy cân nhắc kĩ lưỡng để chọn ra những cá nhân thích hợp giúp đưa ra ý kiến cho tầm nhìn của bạn. Bạn cần chọn người có kinh nghiệm dày dặn cũng như am hiểu sâu về vấn đề. Đừng đặt ra một giới hạn nào mà hãy để cho họ được tự do đưa ra quan điểm và cuộc thảo luận được diễn ra một cách cởi mở. Và hãy cố gắng hiểu thấu đáo về quan điểm của họ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo ý kiến về sự kết nối giữa tầm nhìn bạn đang phát triển với những “mảnh ghép” khác trong doanh nghiệp của bạn. Liệu nó mâu thuẫn hay đang hỗ trợ cho nhau?
BƯỚC 6: XEM XÉT VÀ SỬA ĐỔI
Sau khi tiếp nhận những ý kiến phản hồi từ người khác, lúc đó bạn mới nên quay trở lại xem xét bản phác thảo ban đầu và chỉnh sửa nếu cần thiết. Việc quan trọng nhất là phải tự đặt ra câu hỏi: Liệu tầm nhìn này đã đủ để truyền cảm hứng hay chưa? Nếu chưa, bạn chắc chắn cần phải chỉnh sửa nó. Một tầm nhìn không có khả năng truyền cảm hứng sẽ khiến các nhân viên nản chí. Nó sẽ dập tắt động lực cạnh tranh và hướng tới thành công.
BƯỚC 7: CHIA SẺ TẦM NHÌN
Sau khi tầm nhìn đã được xem xét kỹ lưỡng, bây giờ là lúc nó cần được công bố rộng rãi và truyền đạt rõ ràng trong nội bộ công ty và thậm chí ra cả bên ngoài những bộ phận chuyên môn khác làm việc cùng trên cơ sở các thông tin mà bộ phận nội bộ đưa ra. Nó cũng nên được đăt trong sự quy chiếu với tầm nhìn của cả công ty để đảm bảo sự đồng nhất.
Một khi tầm nhìn đã được chỉnh sửa kỹ lưỡng và truyền đạt trong nội bộ doanh nghiệp, đội ngũ quản lý có thể bắt đầu xây dựng chiến lược làm thế nào để đạt được tầm nhìn đó và bắt tay vào làm. Cần đánh giá tầm nhìn đó định kỳ để đảm bảo rằng nó vẫn còn hợp thời hợp thế, và các hành động cụ thể vẫn được thực hiện một cách đều đặn, không lơ là để hướng tới tầm nhìn đã đưa ra.
Theo Saga