Đôi khi để thay đổi cuộc sống con người cần làm những điều lớn lao, thế nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện thực hiện những điều này. May mắn thay chỉ với 10 phút học tập bạn có thể thay đổi tức thì.
Thời gian luôn luôn là thứ giá trị nhất trong cuộc sống của mỗi con người, cho dù bạn có nhiều tiền tới mức nào đi chăng nữa, bạn cũng không thể mua được thời gian. Cuộc sống thì cứ vậy trôi, nó chẳng chờ đợi ai và cũng không cho con người nhiều cơ hội để dừng lại.
Quả thật có được khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày làm việc bình thường dường như là điều không thể khi mà các đầu việc khác nhau liên tục khiến chúng ta bận rộn.
Nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy có tới 2/3 nhân viên văn phòng rơi vào tình trạng quá tải khi ở trên văn phòng. Trong số này 84% cho rằng tình trạng quá tải sẽ không bao giờ chấm dứt và họ sẽ phải đương đầu với khó khăn ấy trong nhiều năm trời cho tới tận khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
Có người nói làm việc chăm chỉ không bằng làm việc khoa học, những cách thức làm việc khoa học sẽ giúp con người để dành được nhiều thời gian hơn, làm được nhiều việc khác hơn. Thế nhưng, để hoàn thành được thói quen làm việc khoa học chúng ta phải đánh đổi quá nhiều thứ.
Vậy tại sao không thử nghiệm một trong 10 điều dưới đây, chúng chỉ mất 10′ để học, vài ngày để làm quen thế nhưng chúng có thể giúp bạn thay đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày.
1. Kĩ thuật Pomodoro
Quản lý thời gian là một trong những công việc khó khăn nhất của bất kì nhân viên văn phòng nào. Ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ hoàn thiện đầu việc trên trong bao lâu? Liệu với khoảng thời gian được cấp chúng ta có đạt hiệu quả tốt cho mỗi đầu việc? Kĩ thuật Pomodoro sẽ giúp bạn, đây là một trong những kĩ thuật rèn luyện khả năng phân chia thời gian tuyệt vời nhất.
Kĩ thuật này yêu cầu bạn thống kê các công việc của mình càng nhỏ càng tốt sau đó chia chúng theo mốc thời gian 20 tới 25 phút để hoàn thành công việc. Khi càng chia nhỏ các đầu việc, bạn càng làm chúng nhanh hơn và có thời gian để kiểm tra hiệu quả cuối cùng. Chỉ 25′ cho mỗi đầu việc nhưng vào cuối ngày làm, bạn sẽ đạt được nhiều thành quả lớn.
2. Cải thiện khả năng trung bình
Ai cũng dành toàn bộ khoảng thời gian để cải thiện khả năng bản thân, từ việc học thêm kiến thức, trau dồi qua các đầu việc. Thế nhưng, thay vì mơ ước tới những cái đích lớn, tại sao không thay đổi từ những việc nhỏ nhặt ví dụ như ngăn nắp hơn, đúng giờ hơn hay cẩn thận hơn? Hãy dành ra 5′ theo dõi bài phân tích tâm lý của tiến sĩ Stan Beecham, 5′ còn lại tìm những khả năng còn yếu của bản thân và bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Đôi khi cải thiện bản thân bằng những điều bình thường sẽ có tác động to lớn hơn nhiều so với những giấc mơ quá xa vời và yêu cầu nhiều thời gian để thực hiện. Kết quả bạn đạt được sẽ tức thì.
3. Học cách lên kế hoạch
Vào cuối tuần, ai cũng có thời gian để nghỉ ngơi và chẳng ai muốn nghĩ tới công việc. Thế nhưng, đừng ngại bỏ ra 10′ để lên trước những công việc quan trọng, các buổi gặp mặt cần thiết trong tuần tới. Đưa ra thứ tự đâu là công việc quan trọng hơn và cần thực hiện gấp sau đó bình thản bước sang tuần kế tiếp.
Khi đã có kế hoạch, bạn luôn biết mình cần làm thứ gì, vào lúc nào, ra sao và bạn sẽ không rơi vào tình trạng bị động bởi công việc bao vây nữa.
4. Học cách tĩnh tâm
Trong 10′ ngắn ngủi bạn có thể thư thái tâm trạng bằng cách ngồi thiền. Ngồi thiền được đánh giá là một trong những bài học nên thử nghiệm nhất trong cuộc đời mỗi người. Không những giúp tĩnh tâm, ngồi thiền còn giúp chúng ta thấy các mục tiêu rõ ràng hơn.
Dành ra 10′ mỗi ngày, ưu tiên vào những thời điểm căng thẳng, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi làm việc, tập trung hơn trong những đầu việc khó và các kế hoạch cứ thế được thực hiện một cách đơn giản hơn. Khi tâm trạng con người thoải mái, những công việc mà họ làm cũng hiệu quả hơn.
5. Học kĩ thuật nhớ lâu
Thay vì nghĩ não bộ là một tổ hợp của hàng tỷ thứ khác nhau, tại sao không hình dung não bộ như một tập tài liệu được đánh số rõ ràng và dễ truy cập, tìm kiếm. Phân định những thứ cần ghi nhớ sau đó tập trung cao độ để nắm bắt các ý chính, bạn có thể truy lại phần kí ức này khi cần thiết.
Gặp phải tình trạng hay quên? Chỉ cần tập trung hơn, mọi điều đều có thể thực hiện nếu bạn cố gắng. Giấy và bút sẽ là người bạn đồng hành để cải thiện trí nhớ mỗi ngày và đừng nghĩ ngợi nữa, nhớ tốt hơn sẽ giúp bạn làm mọi việc dễ dàng hơn.
6. Học cách đọc nhanh hơn
Là dân công sở làm việc tại văn phòng, đa phần mỗi người đều đọc rất nhiều, từ thông tin trên mạng, các tài liệu hay sách vở để tích luỹ kiến thức. Mặc dù vậy, đọc quá chậm có thể ảnh hưởng tới nhịp đọc, phá vỡ khả năng nắm bắt thông tin hay đơn giản là tiêu tốn nhiều thời gian trong ngày.
Cách thức để đọc nhanh hơn rất đa dạng, bạn có thể tham khảo cách đọc lướt để nắm bắt nội dung chính cần lưu ý hoặc với những văn bản có dạng âm thanh, hãy nghe chúng ở tốc độ nhanh hơn. Đừng sợ không nắm bắt kịp thông tin, chỉ 10′ thử nghiệm bạn sẽ quen với tốc độ này và nắm bắt thông tin tức thì.
7. Học cách có trách nhiệm hơn
Có trách nhiệm giúp bạn tập trung hơn vào công việc và khi thất bại nó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn trong tương lai. Mặc dù vậy, ở cương vị một người làm công ăn lương chắc hẳn không nhiều người có trách nhiệm với những thứ họ đang thực hiện, đây cũng là lý do tại sao bạn giậm chân tại chỗ quá lâu.
Hãy tập cách có trách nhiệm với những thứ nhỏ trước ví dụ như deadline của mỗi công việc, đừng phá vỡ nó hay trách nhiệm với những quyết định mình đưa ra… Trách nhiệm cao đồng nghĩa với sự tập trung và quản lý cao độ. Khi vấn đề tới, bạn dễ dàng tìm ra nguồn gốc sai lầm, có nỗ lực để sửa sai sau đó tiến xa hơn.
8. Học cách phân bổ công việc
Nếu bạn là người có thói quen lên danh sách các công việc trong ngày bạn sẽ hiểu rằng ít khi chúng ta hoàn thiện được danh sách này. Lý do tại sao ư? Vì con người luôn tự tin vào khả năng của bản thân, chúng ta luôn cho rằng mình có thể làm hàng nghìn việc trong thời hạn. Thế nhưng chúng ta vô tình bỏ quên mất những yếu tố khác tác động tới danh sách này.
Đừng vứt bỏ cách thức lên danh sách đầu việc trong ngày vì nó rất tốt. Thế nhưng, hãy chọn lựa đâu là công việc tốn nhiều thời gian, đâu là công việc quan trọng từ đó bố trí chúng để có khoảng thời gian làm việc hay nghỉ ngơi hiệu quả nhất.
9. Học cách tự chăm sóc bản thân
Đôi khi những căng thẳng trong công việc không tới từ khối lượng mà tới từ sự mệt mỏi của bản thân. Có sức khoẻ là có tất cả nên cần biết cách tự chăm sóc và hiểu cơ thể mình đang muốn gì. Bạn ngồi máy tính cả ngày và bắt đầu mệt mỏi? Hãy bỏ ra 10′ tự massage lại chân tay, đi lại để máu lưu thông hay khi nhận ra mình có dấu hiệu ốm, hãy có biện pháp để xử lý nó sớm nhất có thể.
Tự chăm sóc bản thân không những tốt cho công việc hàng ngày, nó còn tốt cho khoảng thời gian sau đó vì bạn luôn biết cơ thể mình ra sao.
10. Học cách chia nhỏ thời gian trong ngày
Tới thời điểm đi làm chắc bạn cũng hiểu những công việc dễ chồng chéo và chúng ta dễ xao nhãng tới mức nào, những điều này khiến chúng ta luôn cập rập với khoảng thời gian trước mắt, khó lòng bắt kịp tiến độ ngày mới cũng như làm giảm hiệu quả các đầu việc thực hiện trong ngày.
Phân chia các khung thời gian trong ngày có thể giúp bạn tối ưu hoá được các công việc cần thực hiện. Ví dụ như 8 tới 10 giờ sáng được dành chỉ để trả lời email, đọc sách, 14 – 16 giờ dành cho họp hành… Khi đã phân định rõ ràng khoảng thời gian trong ngày, bạn sẽ không bỏ sót bất kì đầu việc nào đồng thời sẽ biết đâu là công việc chưa hoàn thiện, cần dành nhiều thời gian hơn.
Theo Trí Thức Trẻ